Theo đó, Thông tư số 06/2025/TT-BNV quy định chi tiết nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác lưu trữ, bao gồm:
1. Quản lý tài liệu lưu trữ khi cơ quan, tổ chức giải thể, phá sản hoặc tổ chức lại.
2. Trình tự, thủ tục hủy tài liệu lưu trữ.
3. Quy trình thu nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử.
4. Các hình thức sử dụng và cung cấp bản sao tài liệu lưu trữ.
5. Trình tự công nhận hoặc hủy công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt.
6. Công tác kiểm tra nghiệp vụ lưu trữ; cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề lưu trữ.
Thông tư được áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho công tác lưu trữ hiện nay.
Cụ thể hóa quy trình thu nộp hồ sơ, tài liệu
Một điểm nhấn quan trọng của Thông tư là quy trình thu nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử được quy định đầy đủ và chi tiết từ khâu đăng ký, đề nghị đến kiểm tra và tiếp nhận. Theo đó, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm lập danh mục tài liệu, gửi văn bản đề nghị và phối hợp với lưu trữ lịch sử trong toàn bộ quá trình giao nộp.
Lưu trữ lịch sử sẽ kiểm tra Mục lục hồ sơ và trực tiếp đối chiếu hồ sơ, tài liệu trước khi lập Biên bản thu nộp chính thức. Hồ sơ nộp vào kho lưu trữ phải đảm bảo chất lượng bảo quản theo tiêu chuẩn quốc gia.
Bên cạnh tài liệu giấy, Thông tư cũng đề cập đến việc thu nộp hồ sơ, tài liệu số theo quy định tại Thông tư 05/2025/TT-BNV, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số lĩnh vực lưu trữ.
Đẩy mạnh sưu tầm tài liệu có giá trị lịch sử
Để bảo tồn đầy đủ và toàn diện hơn giá trị lịch sử - văn hóa của dân tộc, Thông tư quy định rõ nguyên tắc và phương thức sưu tầm tài liệu vào lưu trữ lịch sử. Theo đó, tài liệu được sưu tầm phải có nguồn gốc hợp pháp, không có tranh chấp và chưa được lưu trữ tại các cơ quan lưu trữ, thư viện, bảo tàng nhà nước trong nước.
Các loại tài liệu thuộc diện sưu tầm gồm:
- Tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu như: nhà hoạt động chính trị, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang...
- Tài liệu do cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước lưu giữ.
- Tài liệu liên quan đến Việt Nam đang được bảo quản ở nước ngoài.
Lưu trữ lịch sử có thể thực hiện sưu tầm thông qua việc mua, tiếp nhận tặng cho, hoặc sao chép tài liệu từ các nguồn hợp pháp.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài liệu lưu trữ
Thông tư 06/2025/TT-BNV là bước cụ thể hóa Luật Lưu trữ trong thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài liệu lưu trữ – một bộ phận quan trọng trong di sản quốc gia.
Với những quy định rõ ràng, cụ thể và phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay, Thông tư là công cụ pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, lưu trữ, sử dụng và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ – nguồn sử liệu quý báu của đất nước.