Nghị định số 68/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính

Thứ sáu - 28/03/2025 08:23
Ngày 18/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020). (Viết tắt là Nghị định 68)
Nghị định số 68/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính

Theo đó, tại Nghị định 68 Chính phủ đã sửa đổi quy định về việc xác định thẩm quyền xử phạt và tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong một số trường hợp:
- Việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quy định tại Điều 52 Luật XLVPHC 2012 (sửa đổi 2020).
- Vụ việc vi phạm hành chính do người có thẩm quyền thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương đang thụ lý, giải quyết nhưng phải chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt, thì việc chuyển hồ sơ có thể được quy định cụ thể tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc theo thứ tự sau đây:
+ Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc tại địa phương;
+ Chánh Thanh tra bộ hoặc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cao nhất trong ngành, lĩnh vực quản lý hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm. Vụ việc vi phạm hành chính có hành vi thuộc trường hợp tại điểm c khoản 4 Điều 52 Luật XLVPHC 2012 (sửa đổi 2020) hoặc vụ việc có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là bất động sản, tàu bay, tàu biển, phương tiện thủy nội địa, các loại hàng hóa, phương tiện cồng kềnh, khó vận chuyển, chi phí vận chuyển cao thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.
- Vụ việc vi phạm hành chính có nhiều hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau mà trong đó có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thì thực hiện như sau:
+ Đối với những hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì xác định theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 52 Luật XLVPHC 2012 (sửa đổi 2020);
+ Đối với những hành vi không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì xác định theo quy định tại các điểm a và b khoản 4 Điều 52 Luật XLVPHC 2012 (sửa đổi 2020).
- Thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng cấm tàng trữ, cấm lưu hành được xác định theo nguyên tắc và thứ tự sau đây:
+ Nếu người đang giải quyết vụ việc thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý quy định tại các điều từ Điều 39 đến Điều 49 và Điều 51 Luật XLVPHC 2012 (sửa đổi 2020) không có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phụ thuộc vào thẩm quyền phạt tiền thì phải chuyển vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt trong ngành, lĩnh vực đó có thẩm quyền tịch thu không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
+ Nếu người đang giải quyết vụ việc không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì phải chuyển vụ vi phạm đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm;
+ Nếu người đang giải quyết vụ việc có căn cứ để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng cấm tàng trữ, cấm lưu hành, thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo quy định tại Chương II Phần thứ hai Luật XLVPHC 2012 (sửa đổi 2020) và quy định của nghị định về xử phạt vi phạm hành chính.
- Thẩm quyền quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng cấm tàng trữ, cấm lưu hành được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 125 Luật XLVPHC 2012 (sửa đổi 2020).
Ngoài ra:
- Bổ sung lập biên bản vi phạm hành chính trong một số trường hợp, cụ thể:
Tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 68 bổ sung khoản 3 Điều 12 Nghị định 118 về việc lập biên bản vi phạm hành chính trong một số trường hợp như sau:
(1) Vụ việc vi phạm hành chính có nhiều hành vi vi phạm trong cùng một lĩnh vực quản lý nhà nước thì người có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết vụ việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền và lập biên bản làm việc đối với các hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12  Nghị định 118. Việc chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm và tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có) thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định 118;
(2) Vụ việc vi phạm hành chính có nhiều hành vi vi phạm thuộc các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau, thì người có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết vụ việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền và lập biên bản làm việc đối với các hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm và tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có) thực hiện theo quy định tại Điều 52 Luật XLVPHC 2012, các khoản 3 và 4 Điều 24 Nghị định 118;
(3) Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm, thì người có thẩm quyền lập một biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại (1) và (2);
(4) Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm, thì người có thẩm quyền có thể lập một hoặc nhiều biên bản vi phạm hành chính đối với từng cá nhân, tổ chức vi phạm. Trường hợp giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khác nhau, thì người có thẩm quyền phải ghi rõ giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính liên quan đến từng cá nhân, tổ chức vi phạm;
(5) Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm, thì người có thẩm quyền có thể lập một hoặc nhiều biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ từng hành vi vi phạm của từng cá nhân, tổ chức;
(6) Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần, thì người có thẩm quyền lập một biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ hành vi vi phạm và từng lần vi phạm.
- Tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 68 sửa đổi Điều 11 Nghị định 118 quy định về việc xử phạt hành chính trong hoạt động thanh tra.
- N​​​guyên tắc xử phạt khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo hướng linh hoạt, theo đúng tinh thần của khoản 4 Điều 23, khoản 3 Điều 25 Luật XLVPHC 2012, đồng thời, quy định nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nhà nước có quy định nguyên tắc xác định tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì áp dụng theo quy định tại nghị định đó....
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 02/5/2025.
Nội dung chi tiết Nghị định 68 tại đây

Tác giả bài viết: hiepvk_Thanh tra Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập146
  • Máy chủ tìm kiếm86
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay961
  • Tháng hiện tại961
  • Tổng lượt truy cập64,773,056
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
EMC Đã kết nối EMC