Triển khai công tác quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trước mùa mưa bão năm 2023
Thứ ba - 05/09/2023 07:49
Thực hiện ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại cuộc họp trực tuyến giữa ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh với Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS cấp huyện, cấp xã Tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 trên địa bàn tỉnh tại Thông báo số 286/TB-UBND ngày 01/8/2023; Văn bản số 2911/BXD-GĐ ngày 07/7/2023 của Bộ Xây dựng về phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng mùa mưa bão năm 2023.
Nhằm ứng phó chủ động với diễn biến thời tiết và thiên tai khó lường cần phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đề nghị Quý Cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện một số biện pháp liên quan đến công tác quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị
1. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố: - Xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai; bố trí nhân lực, các phương tiện, máy móc đảm bảo hoạt động tốt trong trường hợp cấp thiết ứng phó với các tình huống thiên tai, khắc phục hậu quả sau thiên tai; tổ chức ứng trực, xử lý kịp thời các trường hợp bất lợi do thiên tai gây ra; - Tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống tiêu thoát nước đô thị, kịp thời triển khai nạo vét, khơi thông dòng chảy để đảm bảo thoát nước; hạn chế, không để xảy ra tình trạng ngập úng tại các đô thị. Thường xuyên tổ chức kiểm tra thực địa, đôn đốc Chủ đầu tư các công trình thực hiện việc khơi thông dòng chảy, tháo dỡ các công trình tạm gây cản trở dòng chảy; có biện pháp giải quyết thoát nước cho các khu dân cư hiện trạng bị ảnh hưởng bởi việc thi công xây dựng công trình gây ra. - Các khu vực gần núi, điểm dân cư tập trung ven đồi, sông, suối có nguy cơ sạt lở cao cần khảo sát đánh giá mức độ ảnh hưởng, lập phương án di dời các hộ dân ra khỏi khu vực, tổ chức cắm biển báo tại các khu vực sạt lở đất, ngập sâu. - Triển khai cắt tỉa cây bóng mát; cắt bỏ các bộ phận của cây bị mục rỗng, khô, chết…có nguy cơ gây mất an toàn, gia cố cọc chống, cắt tỉa tán cây mới trồng để cây không bị nghiêng ngả, đổ; - Yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ cấp điện, cấp nước tăng cường công tác kiểm tra hệ thống cấp điện, cấp nước do mình quản lý và cung cấp dịch vụ; kịp thời cải tạo, sửa chữa trong trường hợp xảy ra hư hỏng, mất an toàn; xây dựng phương án quản lý, vận hành đảm bảo an toàn điện, cung cấp nước sạch cho người dân. 2. Đối với các đơn vị cung cấp nước sạch: Ngoài nhiệm vụ thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn theo quy định, đề nghị các đơn vị hoạt động cung cấp nước sạch chủ động thực hiện một số biện pháp bổ sung sau: - Xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai; bố trí nhân lực, các phương tiện, máy móc đảm bảo hoạt động tốt trong trường hợp cấp thiết ứng phó với các tình huống thiên tai, khắc phục hậu quả sau thiên tai; tổ chức ứng trực, xử lý kịp thời các trường hợp bất lợi do thiên tai gây ra; - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn nước; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống sản xuất và cung cấp nước sạch trước khi xảy ra mưa bão, đặc biệt là các Trạm bơm và Nhà máy xử lý; - Thường xuyên kiểm tra hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước do mình quản lý; kịp thời cải tạo, sửa chữa trong trường hợp xảy ra hư hỏng, mất an toàn. 3. Đối với Chủ đầu tư xây dựng các công trình: - Chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện tháo dỡ các công trình tạm gây cản trở dòng chảy, khơi thông dòng chảy, đảm bảo công tác thoát nước được thông suốt. Đối với các dự án nằm trên khu vực sườn núi, dọc theo các nhánh sông, Chủ đầu tư phải khẩn trương rà soát, bổ sung các biện pháp gia cố mái, không để xảy ra tình trạng sạt lở, gây bồi lấp dòng chảy hoặc gây mất an toàn cho người và các công trình lân cận. - Triển khai các biện pháp giải quyết thoát nước tạm cho các khu dân cư hiện trạng bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công xây dựng công trình do mình triển khai đầu tư (nếu có).