Thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Định
Thứ hai - 13/02/2023 10:39
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh thì trong thời gian đến vấn đề thoát nước và xử lý nước thải đô thị phải được đặc biệt quan tâm, cần có những giải pháp đột phá để nâng cao tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý trước khi thải ra môi trường.
Những năm gần đây, Bình Định đã và đang thu hút được sự quan tâm đầu tư của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ vào những chính sách ưu đãi và đổi mới trong kêu gọi đầu tư của tỉnh. Kinh tế - xã hội tỉnh nhà đã có những bước phát triển mạnh mẽ, ổn định, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định đang diễn ra khá nhanh, tạo ra bộ mặt mới mẻ, trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với xuất phát điểm còn thấp nên các công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải nói riêng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu của quá trình đô thị hóa. Hệ thống thoát nước tại các đô thị trên địa bàn tỉnh đa số được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau nên thiếu sự đồng bộ; tại một số thị trấn, các xã được công nhận đô thị loại V chỉ mới được đầu tư tuyến cống thoát nước cho các tuyến giao thông chính, còn lại chưa được đầu tư hệ thống thoát nước mà chủ yếu chảy trên mặt đường thoát ra tự nhiên. Các tuyến cống thoát nước tại các đô thị phần lớn đầu tư xây dựng đã lâu, bị xuống cấp, chưa được chính quyền địa phương quan tâm trong việc duy tu, vận hành nên không đảm bảo khả năng tiêu thoát nước, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, thường xuyên xuất hiện những trận mưa rất to dẫn đến xảy ra tình trạng ngập úng tại một số đô thị trong thời gian gần đây. Nước thải tại các đô thị trên địa bàn tỉnh hầu như chưa được xử lý hoặc chỉ xử lý sơ bộ qua bể tự hoại, sau đó theo các tuyến cống và xả trực tiếp ra môi trường. Hiện nay, chỉ có thành phố Quy Nhơn được đầu tư xây dựng 02 nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường với tổng công suất thiết kế là 16.350 m3/ngày.đêm (trong đó: Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình công suất 14.000m3/ngày.đêm, Nhà máy xử lý nước thải 2A công suất 2.350m3/ngày.đêm) và đang được đầu tư mở rộng để nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình lên thành 28.000m3/ngày.đêm; các đô thị còn lại chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn của tỉnh năm 2022 đạt khoảng 22,7%, riêng thành phố Quy Nhơn đạt khoảng 34,4%. Tỷ lệ đấu nối nước thải hộ gia đình vào mạng lưới thoát nước còn thấp, tại thành phố Quy Nhơn mới chỉ đạt 51,69%. Với hiện trạng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị còn nhiều hạn chế như trên, nguồn lực của tỉnh và các địa phương còn thiếu thì để đáp ứng mức tối thiểu về tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 22/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị là thật sự rất khó khăn, cần thiết phải có sự quan tâm, sự quyết tâm thực hiện của các cấp chính quyền trong việc đầu tư các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị. Trong thời gian tới, để đảm bảo khả năng thoát nước tại các đô thị, tăng tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường, Sở Xây dựng đề xuất các Sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện một số giải pháp như sau: * Giải pháp chung: - Các địa phương cần khẩn trương lập, phê duyệt kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống công trình thu gom riêng nước mưa và công trình thu gom, xử lý nước thải theo quy định tại Thông tư số 15/2021/TT-BXD ngày 15/12/2021 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị khu dân cư tập trung. - Đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị mới xây dựng trên địa bàn tỉnh, cần kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải ngay từ khâu lập, thẩm định quy hoạch; quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường; thẩm định dự án đầu tư xây dựng; kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình trước khi đưa vào sử dụng. Yêu cầu các Chủ đầu tư các phải đầu tư xây dựng đầy đủ, đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo đúng quy hoạch, thiết kế xây dựng được phê duyệt. - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của việc đấu nối, xử lý nước thải để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần nâng cao tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý. - Các Sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong công tác chuẩn bị đầu tư, kêu gọi đầu tư, tiếp cận các nguồn vốn để xây dựng các nhà máy xử lý, hệ thống thu gom nước thải tại các đô thị trên địa bàn tỉnh. * Giải pháp cho các đô thị: - Đối với thành phố Quy Nhơn: + Đề nghị Ban Quản lý dự án dân dụng và công nghiệp tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục: Xây dựng mở rộng nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình lên 28.000m3/ngày.đêm (giai đoạn 2), phấn đấu đưa vào hoạt động trong quý III năm 2023 để tăng công suất xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Quy Nhơn. Đồng thời, khẩn trương triển khai xây dựng hạng mục: 03 trạm bơm PS17, PS18, PS19 và mạng lưới tuyến ống cấp 3 thuộc dự án Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án thành phố Quy Nhơn, phấn đấu hoàn thành đầu năm 2024 để góp phần tăng tỷ lệ nước thải được thu gom đưa về Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình để xử lý. + UBND thành phố Quy Nhơn rà soát số lượng đấu nối nước thải hộ gia đình, có kế hoạch đầu tư mở rộng mạng cấp 3 để tăng tỷ lệ đấu nối, lượng nước thải được thu gom, đảm bảo phát huy tối đa công suất xử lý của các nhà máy xử lý nước thải đã được đầu tư; rà soát quy trình quản lý, vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải hiện tại để đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống đảm bảo đến năm 2025 tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý trên địa bàn thành phố đạt trên 50%. - Đối với thị xã An Nhơn: UBND thị xã cần chủ động phối hợp các Sở, ngành có liên quan trong việc chuẩn bị đầu tư dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho các phường nội thị và vùng phụ cận thị xã An Nhơn; tích cực kêu gọi đầu tư, tiếp cận các nguồn vốn vay, vốn tài trợ để thực hiện dự án, trong đó cần phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng trong việc trao đổi thông tin với 2 Nghiệp đoàn của Pháp theo Chương trình hợp tác Việt - Pháp để tiếp cận các nguồn vốn có tính khả thi cao; phấn đấu có thể đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của dự án vào năm 2025 phục vụ việc thu gom, xử lý nước thải của các phường: Bình Định, Đập Đá, Nhơn Thành, Nhơn Hưng, Nhơn An, đến năm 2030 tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý trên địa bàn thị xã đạt trên 30%. - Đối với thị xã Hoài Nhơn: UBND thị xã chủ động phối hợp các Sở, ngành trong việc chuẩn bị hồ sơ đầu tư dự án Đề án thoát nước mưa và thoát nước thải khu vực đô thị Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn để thực hiện kêu gọi đầu tư, tiếp cận các nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ để thực hiện dự án; phấn đấu đến năm 2025 có thể khởi công dự án, đến năm 2030 tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý trên địa bàn thị xã đạt trên 30%. - Đối với huyện Tây Sơn: Với mục tiêu phấn đấu để được công nhận đô thị loại IV vào năm 2025, trong quá trình thực hiện các tiêu chí để đạt chuẩn đô thị loại IV UBND huyện Tây Sơn cần có bước chuẩn bị về hồ sơ dự án và các nội dung có liên quan để kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn. Phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý trên địa bàn huyện đạt từ 20÷30%. - Đối với các đô thị còn lại, do nguồn lực còn hạn chế, lượng nước thải phát sinh trong khu vực đô thị chưa nhiều nên trong thời gian trước mắt UBND các huyện cần từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống thoát nước đô thị theo quy hoạch được duyệt, làm cơ sở đấu nối với hệ thống xử lý tập trung khi có đủ nguồn lực triển khai.