KẾ HOẠCH TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN THÔNG TIN, AN NINH MẠNG VÀ PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Thứ ba - 21/05/2024 16:32
Kế hoạch số 1761/KH-TBCĐ-CAT ngày 16/5/2024 của Tiểu ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng tỉnh Bình Định về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng và phòng chống tội phạm trên không gian mạng.
ảnh minh hoạ
ảnh minh hoạ
          Thời gian vừa qua, tình hình tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gia tăng nhanh về số vụ với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn, an ninh mạng, cảnh báo về tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao đã được tiến hành thường xuyên, song hiệu quả chưa cao, chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, tổ chức, doanh nghiệp, chưa tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức cảnh giác của Nhân dân.
          Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, quần chúng Nhân dân và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, Tiểu ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng tỉnh Bình Định ban hành kế hoạch tuyên truyền phòng, chống tội phạm trên không gian mạng
          Mục đích, yêu cầu
          - Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; nâng cao trách nhiệm, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, tạo thành các chiến dịch tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân.
          - Nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và quần chúng Nhân dân kiến thức pháp luật về an toàn, an ninh mạng, phương thức, thủ đoạn và các kỹ năng nhận biết, phòng ngừa hoạt động tội phạm trên không gian mạng; huy động được cán bộ, công chức, viên chức, quần chúng Nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.
          - Công tác tuyên truyền được tiến hành bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, hiệu quả gắn với công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM&PCTPSDCNC). Nội dung tuyên truyền phải liên tục đổi mới, đa dạng, bám sát thực tế, kịp thời truyền tải, thông tin cho người dân về các phương thức, thủ đoạn tội phạm trên không gian mạng.
          - Việc triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, ban, ngành, địa phương, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội; đồng thời, thực hiện nghiêm Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng trong việc cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình công tác phòng, chống tội phạm trên không gian mạng phục vụ tuyên truyền.
          Nội dung tuyên truyền
          - Các quy định của pháp luật về công tác đảm bảo An toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, như: Luật Hình sự, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, các Nghị định: Nghị định 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, Nghị định số 13/2023/NĐ- CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chỉ thị số 02/CT- TTg ngày 04/7/2018, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng và nâng cao năng lực phòng chống, chống phần mềm độc hại, ...
          - Những phương thức, thủ đoạn, đặc điểm nhận biết và cách phòng tránh đối với loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Trong đó, tập trung tuyên truyền về: (1) Thủ đoạn gọi điện giả danh cán bộ Nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; (2) thủ đoạn lợi dụng lòng tham của các cá nhân thông báo trúng thưởng lớn để chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, yêu cầu chuyển tiền; (3) thủ đoạn chiếm quyền sử dụng tài khoản (mạng xã hội Facebook, Zalo...), lập tài khoản mạo danh người khác, tuyển cộng tác viên làm việc online, thủ đoạn lợi dụng công nghệ Deepfake làm giả cuộc gọi video... để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, trọng tâm tuyên truyền theo khẩu hiệu “4 không', 2 phải...”.
          “4 không” là: (1) Không sợ: không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ mặt gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân; (2) Không tham: khi có người lạ gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo được trúng thưởng hoặc nhận được khoản tiền lớn không rõ nguồn gốc thì không được tin lời các đối tượng; (3) Không kết bạn với người lạ: khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen không rõ là ai, mục đích thì không nên kết bạn, bắt chuyện, nhất là không được cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng; (4) Không làm: khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo.
          “2 phải” là: (1) Phải thường xuyên cảnh giác: chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...; (2) Phải tố giác ngay với cơ quan pháp luật khi có nghi ngờ: khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan pháp luật (cơ quan Công an, chính quyền địa phương...) để được hướng dẫn xử lý.
          - Tầm quan trọng của việc bảo vệ các thông tin dữ liệu cá nhân; nâng cao ý thức cảnh giác trong việc cung cấp các thông tin cá nhân cũng như việc xác thực con người trước khi thực hiện việc các giao dịch trên môi trường mạng, nhất là hoạt động chuyển tiền bằng hình thức internet banking; hậu quả, tác hại của việc: bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng, để các đối tượng xấu sử dụng tài khoản ngân hàng của mình phục vụ việc chuyển, nhận tiền, làm đầu ra cho tài sản chiếm đoạt được.

          - Kết quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn của lực lượng chức năng với tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
          Hình thức tuyên truyền
          Phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, sử dụng tối đa các phương tiện, điều kiện thông tin tuyên truyền hiện có và các hình thức tuyên truyền truyền thống, nghiên cứu, áp dụng các hình thức, phương pháp, phương tiện thông tin tuyên truyền mới, phong phú, đa dạng về hình thức phù hợp với thực tế của đơn vị, địa phương. Chú trọng việc phát huy vai trò của người có uy tín, điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền. Cụ thể:
          - Tuyên truyền trực tiếp: Tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền hoặc lồng ghép nội dung trong các hội nghị, lớp học, trong các buổi sinh hoạt của cơ quan, đơn vị... về Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác đảm bảo An toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
          - Tuyên truyền trên mạng Viễn thông, CNTT và trên không gian mạng: Thường xuyên tổng hợp thông tin, xây dựng các bài viết, phóng sự ngắn gọn, dễ hiểu... vận dụng các ứng dụng điện tử, các dịch vụ viễn thông, CNTT (SMS Brandname), các trang mạng xã hội (Fanpage, Zalo...), các trang/cổng thông tin điện tử... nhanh chóng đưa thông tin về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, các phương pháp phòng, chống tội phạm mạng, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng một cách nhanh nhất đến với các cá nhân tham gia không gian mạng.
          - Tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng: Báo, đài truyền thanh - truyền hình của địa phương và lực lượng Công an nhân dân, hệ thống phát thanh cơ sở để đăng tải, phát sóng các tin, bài, phóng sự, video clip...
          - Tuyên truyền bằng các hình thức cổ động: Tổ chức vẽ khẩu hiệu, băng rôn, tờ rơi có nội dung phù hợp với từng đối tượng; tạo hình ảnh trực quan sinh động dễ hiểu, dễ nhận biết và dễ ghi nhớ, hướng tới đông đảo người dân, các cá nhân ít có điều kiện tiếp nhận thông tin bằng các hình thức khác.
Xem đầy đủ nội dung Kế hoạch tại đây 

 

Tác giả bài viết: Văn phòng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập184
  • Máy chủ tìm kiếm46
  • Khách viếng thăm138
  • Hôm nay12,861
  • Tháng hiện tại378,880
  • Tổng lượt truy cập60,329,086
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây