Quản lý không gian đô thị trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng - QCVN 01:2019/BXD
Thứ ba - 03/03/2020 20:32
Ngày 31/12/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-BXD quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2019/BXD).
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng được áp dụng lần đầu năm 2008, được xây dựng từ nội dung phần II, tập 1 – Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 1997. Do vậy, theo chu kỳ sửa đổi 10 năm, QCVN 01:2019/BXD là quy chuẩn lần thứ 3 về Quy hoạch xây dựng được áp dụng tại Việt Nam. Với quan điểm quản lý không gian đô thị, QCVN 01:2019/BXD được có thể đáp ứng các thách thức đổi mới, thống nhất từ lập quy hoạch đến thực tiễn quản lý phát triển đô thị hiện nay thông qua kiểm soát Hệ số sử dụng đất từ quy hoạch đến đầu tư xây dựng công trình, đồng thời cho phép có cái nhìn tổng quát về bức tranh hình thái tương lai của đô thị. Có thể thấy, nổi bật 3 lợi thế từ quan điểm đổi mới quản lý không gian đô thị trong QCVN 01:2019/BXD gồm:
- QCVN 01:2019/BXD cung cấp công cụ quản lý thông minh bộ ba “Quyền lực”: Quy hoạch – Quy chế quản lý – thiết kế đô thị sẽ thể hiện rõ nội dung kiểm soát, quản lý không gian thông minh và cấp phép xây dựng theo quy hoạch phù hợp với các khung pháp lý cơ bản của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc và các duy định văn bản pháp lý khác hiện hành.
- QCXD 01:2019/BXD thống nhất quan điểm quản lý không gian đô thị từ quy hoạch, nâng cao vai trò kiểm soát cơ bản của quy hoạch, đảm bảo kiểm sóat khối tích công trình xây dựng phù hợp với dự báo phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, áp dụng kiểm soát chỉ tiêu hệ số sử dụng đất, mật độ dân số cho từng khu vực, từng chức năng sử dụng đất trong lập, thiết kế và quản lý xây dựng theo quy hoạch.
- QCXD 01:2019/BXD đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế trong quản lý đô thị, nghiên cứu các mô hình quản lý đô thị tại các nước phát triển, phương pháp quản lý đô thị hiện đại và xây dựng các cơ chế xử lý “mềm” nhưng minh bạch trong phát triển đô thị với các chương trình ưu đãi phát triển, hạn chế tối đa các điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, khó kiểm soát. Hệ thống chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch luôn được coi là chìa khóa quan trong của kiểm soát, thúc đẩy phát triển đô thị, trong đó kiểm soát mật độ luôn được coi là vấn đề gốc trong việc đưa ra các chỉ số kiểm soát cơ bản. Mật độ được kiểm soát thông qua 3 chỉ tiêu: Hệ số sử dụng đất - Dân số - Đơn vị nhà ở. Mỗi chỉ tiêu đều diễn tả mật độ theo một cách khác nhau, nhưng có mối quan hệ liên quan mà không hoàn toàn diễn tả chính xác các mối quan hệ này. Các nhà thiết kế thường chỉ quan tâm đến khối tích công trình hay hệ số sử dụng đất dưới dạng mật độ công trình; Nhà đầu tư thường quan tâm đến đơn vị nhà ở là số lượng công trình được bán và Nhà quản lý quan tâm nhiều đến kiểm soát mật độ dân số.
Tuy nhiên, trên thực tế đối với các công trình cao tầng, việc thực thi các chính sách đơn lẻ khác nhau có thể làm thay đổi mật độ cư trú và chỉ tiêu dân số trong một tòa nhà, một khu vực, do vậy việc tính toán, kiểm soát khối tích hợp lý trong xây dựng công trình phù hợp chỉ tiêu diện tích tối thiểu từ quy hoạch đến đầu tư xây dựng công trình là một việc làm quan trọng, được xây dựng bởi các nghiên cứu phù hợp với định hướng chiến lược quốc gia và có thể điều chỉnh chính sách đối với các đối tượng đặc biệt như nhà ở xã hội…
QCVN 01:2019/BXD đã đề xuất hai dạng kiểm soát chỉ tiêu mật độ gồm Hệ số sử dụng đất và Mật độ cư trú dân số nhằm đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát mật độ trong xu hướng kiểm soát mật độ dân cư và hình thái đô thị. Trong đó, các ngưỡng chỉ tiêu kiểm soát đất đơn vị ở tối đa được phân theo các vùng miền, bước đầu đã khắc phục ngưỡng kiểm soát tối thiểu 8m2/người và trung bình 50m2/người trong quy chuẩn cũ được coi là chưa rõ và khai thác quá mức đất đai đô thị với chỉ tiêu mật độ dân số lớn, đặc biệt không tạo nên được các hình thái đô thị tại các thành phố khác nhau do xu thế áp dụng cùng mức chỉ tiêu tối thiểu 8m2/người.
Chỉ tiêu hệ số sử dụng đất (HSSDĐ), QCVN 01:2019 đã đề xuất, điều chỉnh lại khái niệm đã được đưa ra từ QCXDVN 1997 nhằm đảm bảo quản lý khối tích công trình, gắn với không gian đô thị hiệu quả, đảm bảo được sự cung ứng đầy đủ của định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là giao thông. Ngưỡng kiểm soát tối đa HSSDĐ theo đề xuất là 13 lần sẽ làm giảm các công trình có khối tích xây dựng có quy mô lớn, đặc biệt là các công trình cao tầng có chiều cao lớn hơn 46m (khoảng 15 tầng).
Đây có thể nói là một thay đổi lớn về quan điểm quản lý không gian đô thị, không chỉ đáp ứng yêu cầu về lập đồ án quy hoạch mà còn là cơ sở quan trọng trong quản lý công trình cao tầng trong đô thị trên thực tiễn. Mặt khác nó cũng mở ra các cơ chế thông minh khác trong vận dụng quản lý khối tích công trình xây dựng các chính sách phát triển đô thị dựa trên các chương trình ưu đãi diện tích sàn, hệ số sử dụng đất hoặc chuyển nhượng quyền phát triển không gian trong bảo vệ đất đai nông nghiệp, vùng cảnh quan, công trình di sản đô thị hay phát triển các không gian công cộng thuộc sở hữu tư nhân. Quan điểm quản lý không gian đô thị QCVN 01:2019/BXD cũng sẽ tác động lớn trong công tác thiết kế đô thị, đảm bảo công tác thiết kế đô thị sẽ có các khung mềm dẻo hơn, thích ứng với yêu cầu thực tiễn trong việc tạo lập khối tích cấu trúc công trình, thay thế cách kiểm soát hiện hữu gồm khoảng lùi, mật độ xây dựng và tầng cao công trình.
Thông tư 22/2019/TT-BXD có hiệu lực ngày 01/7/2020 và thay thế Thông tư 32/2009/TT-BXD ngày 10/9/2009 và Quyết định 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008.