Ngày 22/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1963/QĐ-TTg phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022 với các nội dung chính như sau:
I. Lĩnh vực Hoạt động xây dựng:
1. Quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xét, cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức và xét, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân.
a) Nội dung cắt giảm, đơn giản hóa:
- Bổ sung hình thức sát hạch phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; trước mắt thực hiện thí điểm trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
- Thực hiện gia hạn chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
- Không yêu cầu cung cấp “bản gốc chứng chỉ năng lực đã được cấp” khi nộp hồ sơ đề nghị gia hạn chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng mà chỉ cần cung cấp “mã số chứng chỉ năng lực đã được cấp”.
b) Kiến nghị thực thi: Sửa đổi, bổ sung Điều 76, Điều 77, Điều 80, Điều 87, Điều 90 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
2. Quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thẩm định:
a) Nội dung cắt giảm, đơn giản hóa:
- Phân cấp thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng cho cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với một số dự án/công trình: dự án nhóm B, nhóm C do cơ quan Trung ương phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư.
- Phân cấp thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng cho cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với một số dự án/công trình: dự án nhóm B, nhóm C do cơ quan Trung ương phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư.
- Giảm một số loại tài liệu, văn bản pháp lý trong hồ sơ trình thẩm định mà có thể khai thác được từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng, chỉ cần kê khai thông tin trong Tờ trình mà không yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực hay bản chính: văn bản/quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng; văn bản ý kiến về giải pháp phòng cháy, chữa cháy của thiết kế cơ sở; văn bản kết quả thực hiện thủ tục về đánh giá tác động môi trường; văn bản thỏa thuận, xác nhận về đấu nối hạ tầng kỹ thuật của dự án; văn bản chấp thuận độ cao công trình (nếu có), các văn bản pháp lý khác (nếu có); danh sách các nhà thầu.
- Giảm một số loại tài liệu, văn bản pháp lý trong hồ sơ trình thẩm định mà có thể khai thác được từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng, chỉ cần kê khai thông tin trong Tờ trình mà không yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực hay bản chính: văn bản thông báo kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng; văn bản thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy, kết quả thực hiện thủ tục về đánh giá tác động môi trường và các văn bản khác có liên quan; giấy phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài (nếu có)...
b) Kiến nghị thực thi:
- Sửa đổi, bổ sung Điều 13, Điều 14 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 36, Điều 37 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
II. Lĩnh vực Kinh doanh dịch vụ kiến trúc:
1. Quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xét, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động kiến trúc cho cá nhân.
a) Nội dung cắt giảm, đơn giản hóa:
- Bổ sung hình thức sát hạch phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; trước mắt thực hiện thí điểm trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
- Bỏ yêu cầu cá nhân đề nghị cấp lại, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc phải thực hiện sát hạch theo hình thức thi trắc nghiệm.
b) Kiến nghị thực thi: Sửa đổi, bổ sung Điều 25, Điều 27, Điều 28 Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc.
III. Lĩnh vực Kinh doanh dịch vụ thí nghiệm chuyên ngành xây dựng:
1. Quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xét, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
a) Nội dung cắt giảm, đơn giản hóa:
- Không yêu cầu thực hiện việc tổ chức đánh giá tại phòng thí nghiệm đối với tất cả các trường hợp có nhu cầu bổ sung, sửa đổi các nội dung của Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng đã được cấp mà chỉ yêu cầu đánh giá tại phòng thí nghiệm đối với trường hợp có nhu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung về các chỉ tiêu thí nghiệm được hoạt động.
- Thực hiện việc cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với trường hợp không yêu cầu đánh giá tại phòng thí nghiệm.
- Riêng trong thời gian các địa phương thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh: thực hiện cấp mới, cấp lại, bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng đối với các trường hợp yêu cầu phải đánh giá tại phòng thí nghiệm bằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tổ chức đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng có văn bản cam kết, tự chịu trách nhiệm về năng lực hoạt động; Bộ Xây dựng thực hiện kiểm tra hậu kiểm.
b) Kiến nghị thực thi: Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Nghị định số 62/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
IV. Lĩnh vực quản lý chất lượng:
1. Quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng.
a) Nội dung cắt giảm, đơn giản hóa:
Phân cấp thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào khai thác, sử dụng của cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng cho cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với một số dự án/công trình: công trình cấp II, cấp III, cấp thuộc dự án nhóm C hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng do cơ quan trung ương quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư...
b) Kiến nghị thực thi: Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
V. Lĩnh vực Kinh doanh bất động sản:
1. Quy định về thủ tục hành chính chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản.
a) Nội dung cắt giảm, đơn giản hóa:
- Sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng thực hiện thủ tục chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
- Làm rõ thời gian hoàn thành giải quyết thủ tục hành chính chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản là trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (đối với dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định việc đầu tư), 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư); trong đó, thời gian lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan trong quá trình thẩm định hồ sơ là trong thời hạn 15 ngày (đối với dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định việc đầu tư) và trong thời hạn 25 ngày (đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư) kể từ ngày nhận được đề nghị.
b) Kiến nghị thực thi: Sửa đổi, bổ sung Điều 12, Điều 13 Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.
2. Quy định về về yêu cầu, điều kiện Tổ chức cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã và phải có vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ đồng (khoản 1 Điều 3 Nghị định 76/2015/NĐ-CP).
a) Nội dung cắt giảm, đơn giản hóa: Bỏ quy định yêu cầu phải có vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ đồng.
b) Kiến nghị thực thi: Bỏ nội dung quy định “phải có vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ đồng” tại khoản 1 Điều 3, Điều 4 của Nghị định số 76/2015/NĐ-CP.
VI. Lĩnh vực phát triển đô thị:
1. Quy định về thủ tục hành chính lấy ý kiến của Bộ Xây dựng khi thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt.
a) Nội dung cắt giảm, đơn giản hóa:
- Phân cấp toàn bộ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt, trên cơ sở các công cụ quản lý phát triển đô thị theo quy định (gồm: quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc, chương trình phát triển từng đô thị, khu vực phát triển đô thị (nếu có) được duyệt...).
- Tăng cường việc kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp đối với các địa phương thực hiện; xác định rõ trách nhiệm báo cáo và nội dung kiểm tra.
- Quy định rõ các công cụ quản lý phát triển đô thị để các tỉnh có cơ sở tự quyết định. Hiện nay, đối với các đô thị, những công cụ quản lý như quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc, chương trình phát triển từng đô thị, khu vực phát triển đô thị (nếu có), thiết kế đô thị, mẫu nhà là những công cụ được pháp luật quy định để cơ quan quản lý Nhà nước quản lý việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch và có kế hoạch. Do đó, trên cơ sở các công cụ này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho cá nhân, hộ gia đình được tự xây dựng nhà ở riêng lẻ. Các tỉnh có trách nhiệm hoàn thiện các công cụ quản lý để quản lý phát triển đô thị.
- Quy định về kiểm tra giúp đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước về quản lý phát triển đô thị nhằm đảm bảo xây dựng đồng bộ kiến trúc cảnh quan đô thị, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, hạn chế phát triển tràn lan khi phân cấp.
b) Kiến nghị thực thi: Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 4 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.
2. Quy định về thủ tục hành chính quyết định các khu vực phát triển đô thị.
a) Nội dung cắt giảm, đơn giản hóa:
- Phân cấp thẩm quyền quyết định các khu vực phát triển đô thị của Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với: (i) khu vực phát triển đô thị tại các đô thị có đồ án quy hoạch chung thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; (ii) khu vực phát triển đô thị nhằm hình thành một đô thị mới có quy mô dân số tương đương đô thị loại IV trở lên theo quy hoạch đã được phê duyệt
- Tăng cường phân cấp cho địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đối với khu vực phát triển đô thị thuộc địa giới hành chính của 2 tỉnh trở lên, khu vực phát triển đô thị có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng - an ninh.
- Việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với các khu vực phát triển đô thị như đề xuất, giúp tăng tính chủ động cho địa phương khi xác định những khu vực cần ưu tiên tập trung đầu tư phù hợp với nhu cầu, nguồn lực và thời điểm đầu tư của địa phương.
- Bên cạnh đó, khu vực phát triển đô thị được xác định trên cơ sở quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu và chương trình phát triển đô thị, trong khi đó, thẩm quyền phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu được quy định là của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc tỉnh; thẩm quyền phê duyệt chương trình phát triển đô thị là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Do đó, trên cơ sở quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, chương trình phát triển đô thị được duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đủ cơ sở và thẩm quyền để xác định các khu vực cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm trong từng khoảng thời gian nhất định, qua đó quyết định thành lập các khu vực phát triển đô thị. Đồng thời việc xác định quy mô phù hợp của một khu vực phát triển đô thị (về cả quy mô diện tích hay quy mô dân số) phụ thuộc vào khả năng bố trí vốn đầu tư các dự án hạ tầng, khả năng thu xếp và thu hút đầu tư. Các nội dung này hiện nay cũng đã được phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí vốn đầu tư công cho dự án cụ thể. Do đó, việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định là phù hợp.
b) Kiến nghị thực thi: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm triển khai thực hiện theo đúng nội dung và thời hạn quy định tại Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Điều 1 của Quyết định số 1963/QĐ-TTg ngày 22/11/2021.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Xây dựng chủ động phát hiện và kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan thuộc thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với các Luật, Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ để thực hiện Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Điều 1 của Quyết định số 1963/QĐ-TTg ngày 22/11/2021.
Đính kèm là Quyết định số 1963/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ.