Phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể QHXD vùng huyện Tuy Phước đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050

Thứ tư - 19/04/2023 11:35
Điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng vùng huyện Tuy Phước (Ảnh minh hoạ)
Điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng vùng huyện Tuy Phước (Ảnh minh hoạ)
Ngày 13/4/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1180/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng vùng huyện Tuy Phước đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, vói các nội dung chủ yếu như sau:
1. Tên đồ án: Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tuy Phước đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.
2. Phạm vi, ranh giới, quy mô và thời hạn lập quy hoạch:
a) Phạm vi, ranh giới quy hoạch: Phạm vi ranh giới lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Tuy Phước bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Tuy Phước với 13 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 02 thị trấn (Tuy Phước, Diêu trì) và 11 xã (Phước Thắng, Phước Hưng, Phước Quang, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Nghĩa, Phước Hiệp, Phước Lộc, Phước Thuận, Phước An, Phước Thành). Có giới cận, phía Bắc giáp huyện Phù Cát và thị xã An Nhơn; phía Nam giáp thành phố Quy Nhơn; phía Đông giáp huyện Phù Cát và thành phố Quy Nhơn; phía Tây giáp thị xã An Nhơn và huyện Vân Canh.
b) Quy mô lập quy hoạch: 
- Quy mô diện tích lập quy hoạch: khoảng 219,872 km2.
- Quy mô dân số: Hiện trạng là 180.307 người, dự báo đến năm 2025 là 197.500 người, đến năm 2035 khoảng 236.800 người.
c) Thời hạn lập quy hoạch: Giai đoạn đến năm 2035; tầm nhìn định hướng đến năm 2050.
3. Lý do điều chỉnh:
Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tuy Phước đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1478/QĐ-UBND ngày 21/4/2020. Việc triển khai quy hoạch đã có nhiều tác động tích cực, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng Chương trình phát triển đô thị, triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng với sự phát triển của thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước đang có tốc độ phát triển đô thị mạnh, hiện nay đã hình thành 04 đô thị gồm: thị trấn Tuy Phước, thị trấn Diêu Trì, đô thị Phước Lộc và đô thị Phước Hòa; dự kiến phấn đấu trong giai đoạn sau năm 2025 toàn huyện sẽ đạt chuẩn tiêu chí đô thị loại IV có khả năng hình thành thị xã nên cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện để đảm bảo định hướng phát triển đô thị cho phù hợp.
Ngoài ra, dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định; Tuyến đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến - Diêm Vân đã được phê duyệt và có sự hình thành các dự án trọng điểm của tỉnh như Tuyến đường kết nối trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; Tuyến đường kết nối QL.19C xuống Cảng Quy Nhơn; Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Kôn - sông Hà Thanh nên nhiều khu vực, phân khu chức năng, định hướng quy hoạch thoát lũ cần rà soát, điều chỉnh, bố trí lại cho phù hợp.
Từ các vấn đề nêu trên, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Tuy Phước là cần thiết và phù hợp với quy định.
4. Mục tiêu, tính chất, chức năng quy hoạch:
- Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tuy Phước nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đảm bảo tính ổn định, phát triển bền vững; kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Là đầu mối giao thông đặc biệt quan trọng cấp vùng, có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị toàn tỉnh, có vai trò đầu mối liên kết các khu vực tạo động lực phát triển tiểu vùng phía Nam tỉnh bao gồm thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, đô thị Tây Sơn và các huyện Phù Cát, Vân Canh. Là cửa ngõ phía Tây Bắc của Thành Phố Quy Nhơn, vùng phát triển mở rộng của thành phố Quy Nhơn. Là vùng phát triển đa ngành (đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao), trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử là hướng phát triển ưu tiên. Định hướng phát triển văn hoá cùng thành phố Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hoá phía Nam vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
- Làm cơ sở để quản lý quy hoạch, triển khai lập các chương trình phát triển đô thị; quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và các dự án có liên quan.
* Tầm nhìn quy hoạch đến năm 2050: Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch xây dựng vùng huyện Tuy Phước gắn với quá trình đô thị hóa theo hướng vùng huyện Tuy Phước phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại IV sau năm 2025. Trong đó ưu tiên phát triển Đô thị, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, logistic, du lịch trên sơ sở bảo tồn, tôn tạo, kế thừa và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử (đặc biệt là hệ sinh thái khu vực đầm Thị Nại). Phát triển đô thị Tuy Phước theo hướng đô thị xanh, bền vững, đẩy mạnh phát triển thương hiệu du lịch Tuy Phước gắn liền với hệ sinh thái tự nhiên, văn hóa, lịch sử khu vực đầm Thị Nại.
5. Các chỉ tiêu dự báo phát triển vùng:
a) Dự báo phát triển dân số, lao động:
- Dân số: hiện trạng dân số khu vực lập quy hoạch khoảng 180.307 người; đến năm 2025, dân số toàn huyện sẽ đạt khoảng 197.500 người; đến năm 2035, dân số toàn huyện sẽ đạt khoảng 236.800 người.
- Tổng lao động làm việc trong các ngành kinh tế đến năm 2025 chiếm khoảng 61,5% dân số; đến năm 2035, chiếm khoảng 62% dân số.
b) Dự báo quy hoạch sử dụng đất:
-  Diện tích đất tự nhiên toàn huyện: 21.987,2ha.
- Đất xây dựng toàn huyện: Hiện trạng khoảng 7.090ha; đến năm 2025 khoảng 7.606ha; đến năm 2035 khoảng 8.785ha.
- Đất xây dựng đô thị: Hiện trạng khoảng 1.716,8; đến năm 2025 khoảng 1.915ha; đến năm 2035 khoảng 2.364ha.
- Đất xây dựng điểm dân cư nông thôn: Hiện trạng khoảng 2.461,6ha; đến năm 2025 khoảng 2.600ha; đến năm 2035 khoảng 2.920ha.
6. Định hướng phát triển không gian:
6.1. Phân vùng phát triển kinh tế:
a) Tiểu vùng 1: 
- Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Diêu Trì, thị trấn Tuy Phước, một phần các xã Phước An, Phước Lộc, Phước Nghĩa và Phước Thuận. Là khu vực trung tâm huyện Tuy Phước, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đô thị.
- Định hướng phát triển: Phát triển dân cư đô thị chất lượng cao, trung tâm thương mại, dịch vụ, hệ thống cụm kho, bãi, dịch vụ logistics trên cơ sở khai thác lợi thế kết nối giao thông (QL.1A, QL.19 mới) kết nối với cảng Quy Nhơn.
b) Tiểu vùng 2:
- Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính xã Phước Thành và một phần các xã Phước An, Phước Lộc. Là khu vực đô thị cửa ngõ phía Tây Bắc của thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận; là khu vực đô thị dịch vụ mới, đầu mối giao thông quan trọng cấp vùng (đầu mối giao thông hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây khu vực Nam Trung Bộ; bao gồm giao thông đường bộ, đường sắt và cảng biển); nằm trong khu vực phát triển lan tỏa của Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định.
- Định hướng phát triển: Phát triển hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics, các cụm công nghiệp, dân cư đô thị ở mức độ trung bình.
c) Tiểu vùng 3:
- Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các xã Phước Sơn, Phước Hoà, Phước Hưng, Phước Thắng, Phước Hiệp, Phước Quang và một phần các xã Phước Thuận, Phước Lộc, Phước Nghĩa. Là vùng phát triển đô thị, nông nghiệp,  dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá di tích, cảnh quan, làng nghề truyền thống.
- Định hướng phát triển: Phát triển đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch trên cơ sở trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên tự nhiên, văn hóa khu vực phía Tây đầm Thị Nại. Phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khai thác và phát triển nuôi trồng thuỷ sản tập trung, kết hợp phát triển dân cư gắn với bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa di tích, cảnh quan, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch.
6.2. Định hướng phát triển hệ thống đô thị:
- Định hướng phát triển đô thị: Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tuy Phước có 5 đô thị loại V gồm Diêu Trì, Tuy Phước, Phước Lộc, Phước Hòa và Phước Sơn (hình thành mới); giai đoạn 2026 - 2035, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V của 05 đô thị Diêu Trì, Tuy Phước, Phước Lộc, Phước Hòa và Phước Sơn.
- Phấn đấu giai đoạn sau năm 2025, đầu tư xây dựng các xã Phước Thuận, Phước An, Phước Thành và Phước Nghĩa đạt chuẩn tiêu chí đô thị và toàn huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV để làm cơ sở thành lập thị xã. (Giai đoạn 2021-2030 chưa nằm trong kế hoạch phân loại đô thị của Quốc gia)
6.3. Định hướng phát triển khu dân cư nông thôn: Phát triển khu dân cư nông thôn trên cơ sở ổn định hệ thống dân cư hiện có; phát triển các điểm dân cư tập trung ở khu vực trung tâm xã, ven các trục đường chính của xã và trên cơ sở lấp đầy theo dân cư hiện hữu.
6.4. Định hướng phát triển Cụm công nghiệp, kho bãi, logistics:
Tập trung đầu tư phát triển các Cụm công nghiệp, kho bãi, logistics tại khu vực các xã Phước An, Phước Thành, Phước Lộc như: Cụm công nghiệp Phước An (không mở rộng), Cụm công nghiệp Quy Hội (khoảng 53ha), Cụm công nghiệp An Sơn (khoảng 30ha), Cụm kho bãi, logistics Phước An - Phước Lộc (khoảng 130ha), Cụm kho bãi, logistics Phước Lộc - Phước Nghĩa (khoảng 120ha), Cụm công nghiệp Bình An (khoảng 75ha), quy hoạch quỹ đất phát triển công nghiệp Tây Hoàng Giang (khoảng 66ha).  
6.5. Định hướng phát triển nông, lâm, thủy sản:
- Vùng ưu tiên phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo tồn phát triển các giá trị văn hóa, cảnh quan, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch (thuộc xã Phước Hiệp và một phần các xã Phước Hòa, Phước Quang, Phước Hưng), trong đó ưu tiên phát triển vùng chuyên trồng lúa nước dọc phía Tây tuyến đường Cát Tiến - Diêm Vân.
- Vùng phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao kết hợp dịch vụ du lịch, bao gồm các khu vực ven đầm Thị Nại (thuộc các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng).
6.6. Định hướng phát triển văn hoá: Định hướng phát triển văn hoá cùng thành phố Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hoá phía Nam vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Giai đoạn trước mắt tập trung triển khai Làng văn hóa Bình Định tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước; cải tạo các di tích lịch sử văn hóa,… phục vụ du lịch. Đối với kiến trúc cảnh quan đô thị có bản sắc văn hóa riêng.
6.7. Định hướng phát triển du lịch:
- Xây dựng thương hiệu “Du lịch văn hóa đô thị nước Mặn - làng Sông” cho toàn huyện trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế về cảnh quan tự nhiên, văn hóa, di tích, bao gồm quy hoạch hoàn chỉnh hệ thống tuyến du lịch toàn huyện; quy hoạch và đầu tư hoàn thiện hệ thống các điểm du lịch kết hợp giữa đường bộ và đường thủy (trên đầm Thị Nại) với hệ thống du lịch của các địa phương lân cận.  
- Tập trung phát triển các điểm du lịch: Bảo tồn và phát triển du lịch Cồn Chim - Phước Sơn; dự án Khu du lịch sinh thái đảo Cồn chim 2 (Phước Hòa); quy hoạch khu du lịch ẩm thực, vui chơi giải trí tại Phước Sơn (Mỹ Cang); phát triển làng hoa Bình Lâm kết hợp dịch vụ du lịch, thăm quan tháp Bình Lâm; quy hoạch khu du lịch sinh thái “đô thị nước mặn” tại đô thị Gò Bồi (Phước Hòa); quy hoạch các điểm du lịch sinh thái khu vực ven đầm Thị Nại (Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng).
- Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp các điểm du lịch theo quy hoạch đã duyệt (Khu Nhà thờ Làng Sông; Cụm di tích tháp Bánh Ít; Khu đô thị du lịch Diêm Vân; Di tích Chùa Bà ở Phước Quang; các khu di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, kết hợp bảo tồn và phát triển các lễ hội truyền thống địa phương phục vụ du lịch).
7. Định hướng phát triển hạ tầng xã hội: Quy hoạch công trình giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, công trình thương mại, chợ, khu vực hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
7.1. Công trình giáo dục đào tạo: Xây dựng đồng bộ mạng lưới cơ sở vật chất và trang thiết bị, đảm bảo đủ diện tích theo quy định của trường đạt chuẩn Quốc gia. Duy trì kết quả đã đạt được 100% xã có trung tâm học tập cộng đồng (gắn với xây dựng khu trung tâm văn hóa thể dục thể thao); chú trọng xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, thí nghiệm, thực hành, sản xuất thử, gắn lý luận với thực tiễn sản xuất....
7.2. Công trình y tế: Phát triển đồng bộ hệ thống y tế trên địa bàn huyện, bao gồm mạng lưới khám, chữa bệnh và mạng lưới y tế dự phòng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; định hướng phát triển bệnh viện đa khoa tại khu vực đô thị Phước Sơn. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa phát triển y tế, đảm bảo quỹ đất cho phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn huyện.
7.3. Công trình văn hóa, thể dục thể thao: Xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất và trang thiết bị cho mạng lưới văn hóa, thể dục thể thao, phát triển các loại hình cơ sở đa chức năng (sân vận động, trung tâm văn hóa thể dục - thể thao, nhà văn hóa đa năng, câu lạc bộ thể dục thể thao, khu văn hóa thể thao và du lịch...). Thực hiện xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao, đảm bảo quỹ đất cho các thành phần kinh tế và dân cư đầu tư phát triển thể dục thể thao. Xây dựng khu trung tâm thể dục thể thao mới tại thị trấn Tuy Phước.
7.4. Công trình thương mại, chợ: Hình thành các khu thương mại dịch vụ tại các đô thị và tại khu vực các xã có sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, tập trung đông dân cư. Tại khu vực nông thôn, hình thành mạng lưới kinh doanh của các hợp tác xã, các hộ cá thể, kể cả hộ nông dân vừa sản xuất, vừa kinh doanh.
7.5. Khu vực hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn:
- Quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn được lồng ghép trong các chức năng của các cụm công nghiệp, khu dịch vụ - thương mại - du lịch, trung tâm hành chính xã… được xác định trong đồ án quy hoạch chung xây dựng xã.
- Bố trí các khu hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản tại Phước Hòa, Phước Sơn (lồng ghép trong khu vực làng hoa Bình Lâm, khu dịch vụ du lịch Mỹ Cang). Tại Phước Thành lồng ghép trong các cụm công nghiệp.
- Đối với các chức năng sản xuất công nghiệp (như chế tạo nông cụ, công nghiệp chế biến) bố trí lồng ghép vào các cụm công nghiệp Bình An, Quy Hội.  
8. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
8.1. Định hướng giao thông:
a) Giao thông đối ngoại:
- Đối với tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam; Tuyến đường ven biển quốc gia (Cát Tiến - Diêm Vân); các tuyến đường QL.1, QL.19, QL.19 mới, tuyến kết nối QL19C xuống cảng Quy Nhơn; Tuyến đường sắt Bắc Nam; Tuyến đường sắt tốc độ cao thực hiện theo định hướng giao thông Quốc gia.
- Xây dựng mới Tuyến đường kết nối trung tâm thị xã An Nhơn với đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại, quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.
- Xây dựng mới Tuyến đường phía Bắc huyện kết nối từ QL.1 đến Khu Kinh tế Nhơn Hội thông qua cầu Thị Nại 3 (hướng tuyến song song với đường ĐT.636 đi qua các xã Phước Hưng, Phước Quang, Phước Thắng và Phước Hòa), quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.
b) Giao thông đối nội:
- Đầu tư xây dựng mới các tuyến đường gồm: Tuyến đường kết nối từ QL.19 mới đi Cụm di tích Tháp Bánh Ít và kết nối với Tuyến đường kết nối trung tâm thị xã An Nhơn với đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại phục vụ phát triển du lịch; Tuyến đường kết nối từ QL.1 đến Tuyến đường kết nối trung tâm thị xã An Nhơn với đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; Tuyến đường kết nối từ ngã ba Diêu trì - QL.19C - phía Đông núi Sơn Triều đến QL.1 qua sông Tranh (xây dựng mới cầu Bà Gi 3); Tuyến đường kết nối Phước An, Phước Thành đi Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định; Tuyến đường kết nối Phước An đi An Nhơn (kết nối với QL.19); Tuyến đường kết nối Phước Lộc, Phước An, Phước Nghĩa, Phước Hiệp, Phước Quang với Tuyến đường trục Khu kinh tế; Tuyến đường kết nối ĐT.640 với đường Cát Tiến - Diêm Vân (Phước Thuận).
- Hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn theo tiêu chí giao thông trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phù hợp với chiến lược phát triển giao thông tỉnh Bình Định. Đảm bảo chỉ tiêu giao thông trên đất xây dựng của từng đô thị phải đạt từ 16-26% theo định hướng Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Giao thông thủy: Quy hoạch tuyến giao thông thủy nội địa phục vụ du lịch trên Đầm thị Nại.
c) Công trình đầu mối giao thông:
- Quy hoạch 01 Bến xe cấp vùng tại xã Phước Thành (khu vực nút giao giữa đường bộ Cao tốc Bắc - Nam và QL.19C); quy hoạch 01 bến xe cấp III tại khu vực đô thị Gò Bồi (phía Bắc).
- Quy hoạch các bến thủy nội địa tại các đô thị Diêm Vân, Phước Sơn và Phước Hòa.
- Bãi đậu xe: Xây dựng các bãi đậu xe tại các trung tâm khu đô thị, các khu du lịch, trung tâm thương mại,… đáp ứng cho nhu cầu phục vụ và phù hợp theo quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan về quy hoạch xây dựng.
8.2. Quy hoạch cây xanh đô thị: Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi ngưởi dân của từng đô thị đạt 8-10m2 theo định hướng Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
8.3. Quy hoạch quản lý và điều tiết lũ: Tiếp tục hoàn thiện việc nâng cấp, xây dựng mới các tuyến đê, kè trên các tuyến sông và các trục tiêu thoát lũ trên cơ sở Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông Kôn - sông Hà Thanh được phê duyệt.
8.4. Định hướng cao độ nền và thoát nước mưa:
- Định hướng cao độ nền: Cao độ quy hoạch xây dựng trên cơ sở cao độ nền hiện trạng, từng bước cải tạo, nâng cao 0,3m so với mực nước lũ tính toán phù hợp. Đối với khu vực ven đầm tính thêm cao trình mực nước biển dâng ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Định hướng thoát nước mặt: Đối với khu vực đô thị hiện hữu, sử dụng hệ thống thoát nước nửa riêng; khu vực đô thị phát triển mới, sử dụng hệ thống thoát nước riêng; khu vực nông thôn, sử dụng hệ thống thoát nước chung. Hướng thoát nước chính ra các Sông Hà Thanh, sông Kôn và đầm Thị Nại.
8.5. Định hướng cấp nước:
- Tổng nhu cầu dùng nước toàn huyện đến năm 2025 khoảng 29.600 m3/ngày. đêm; đến năm 2035 khoảng 42.350m3/ngày.đêm.
- Tiếp tục sử dụng nguồn nước tại các Nhà máy cấp nước Hà Thanh, Phú Tài, Quy Nhơn và Cát Nhơn (huyện Phù Cát) để đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn; tập trung sử dụng nguồn nước cấp từ nhà máy nước sạch Quy Nhơn (giai đoạn 1) công suất 30.000 m3/ngày.đêm, (giai đoạn 2) công suất 60.000 m3/ngày.đêm. Tập trung đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước, nâng cao chất lượng nguồn cấp nước sạch tại các khu vực đô thị và vùng nông thôn.
8.6. Định hướng cấp điện:
- Nhu cầu dùng điện đến năm 2025 khoảng 69.086kVA, đến năm 2035 khoảng 113.356kVA; sử dụng nguồn điện từ trạm 220kV Quy Nhơn.
- Công trình đầu mối cấp điện, lưới điện cao thế, lưới điện trung thế: Thực hiện theo quy hoạch và dự án của ngành điện, đáp ứng nhu cầu theo quy hoạch; cải tạo, nâng cấp tuyến điện hiện hữu, đảm bảo mỹ quan và an toàn cung cấp điện. Trong các khu vực đô thị, từng bước hạ ngầm hệ thống lưới điện đảm bảo mỹ quan đô thị.
8.7. Định hướng hạ tầng thông tin liên lạc: Cải tạo và nâng cấp công suất các trạm tổng đài hiện có; từng bước ngầm hóa tại khu vực các tuyến đường, phố, khu đô thị, khu công nghiệp xây dựng mới. Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin đảm bảo nền tảng phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng số hướng tới xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh.
8.8. Định hướng thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:
a) Thoát nước thải:
- Quy hoạch hệ thống thoát nước thải nửa riêng cho khu vực cải tạo, chỉnh trang tại các khu dân cư thuộc xã, khu dân cư hiện hữu; tổ chức đi riêng hoàn toàn đối với các khu vực đô thị và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng dựng mới. Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý riêng đối với nước thải tại các cơ sở y tế, bệnh viện đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành trước khi đấu nối xả thải vào hệ thống thoát nước thải chung.
- Trạm xử lý nước thải: Tại các đô thị và các khu, cụm công nghiệp quy hoạch hệ thống trạm xử lý nước thải tập trung đảm bảo quy mô công suất theo nhu cầu phát triển đô thị và sản xuất công nghiệp. Đối với các điểm dân cư nông thôn, làng xóm và các khu dân cư phân tán bố trí các trạm xử lý cục bộ; khuyến khích quy hoạch trạm xử lý nước thải tập trung cho các xã nông thôn khi đảm bảo điều kiện thuận lợi.
- Vị trí, quy mô công suất và hệ thống mạng lưới thoát nước thải sẽ xác định cụ thể theo quy hoạch xây dựng tiếp theo được phê duyệt.
b) Chất thải rắn: Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 225 tấn/ngày; chất thải rắn công nghiệp khoảng 35 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đô thị đạt 90- 100%, rác thải công nghiệp đạt 100%. Tiến hành phân loại chất thải rắn tại nguồn. Đối với CTR sản xuất và y tế thông thường thu gom cùng CTR sinh hoạt, CTR nguy hại phải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Chất thải rắn được thu gom đưa về Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, thành phố Quy Nhơn.
c) Nghĩa trang: Thực hiện việc quản lý và xây dựng theo quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn; cải tạo các nghĩa trạng hiện trạng đảm bảo môi trường, cảnh quan chung; khoanh vùng, đóng cửa các khu nghĩa địa hiện hữu không phù hợp quy hoạch, từng bước di dời. Thực hiện chôn cất tại các nghĩa trang tập trung theo quy hoạch mới; khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng.
9. Quy hoạch sản xuất:
- Vùng trồng trọt: Tập trung xây dựng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, tiên tiến. Vùng trồng lúa giống, lúa chất lượng cao tập trung ở các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Quang và Phước Hưng.
- Vùng trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao: Tập trung ở các xã Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước An và Phước Sơn (Mỹ Cang)...
- Vùng chăn nuôi: Định hướng phát triển các điểm chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện tại các xã Phước Hưng, Phước Thành, Phước An.
- Vùng nuôi trồng thủy sản: Tập trung tại vùng hạ triều đê Đông thuộc các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng; đầu tư thâm canh, nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích chuyên nuôi trồng thủy sản, trên cơ sở bảo đảm vệ sinh môi trường, không gây ô nhiễm nguồn nước, là nguồn thực phẩm tươi sống, phục vụ phát triển du lịch.
- Vùng lâm nghiệp: Quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp khoảng 2.863ha; xây dựng và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ven biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn tạo vành đai rừng phòng hộ chắn sóng, chắn gió, chống sạt lở, bảo vệ các công trình ven biển, giảm nhẹ thiên tai do thiên nhiên gây ra; gắn bảo vệ, phát triển hệ sinh thái biển với phát triển du lịch sinh thái để hỗ trợ nhau cùng phát triển một cách hiệu quả bền vững.

==> Tải Quyết định phê duyệt tại đây

 

Tác giả bài viết: Đặng Vĩnh Tới

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay2,612
  • Tháng hiện tại590,912
  • Tổng lượt truy cập58,200,981
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây