Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị (phần 1)

Thứ tư - 21/12/2022 22:27
Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khẳng định vai trò, vị thế của đô thị và đô thị hóa trong tiến trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Để thực hiện tốt Nghị quyết số 06-NQ/TW, việc nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý phát triển đô thị dựa trên các nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân, cần được ưu tiên.
Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị (phần 1)

Đô thị là khu vực định cư của con người. Dự báo đến năm 2035, khu vực đô thị sẽ là nơi lựa chọn định cư của 2/3 dân số thế giới. Quá trình đô thị hóa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Đô thị hóa đúng hướng là một nhiệm vụ quan trọng giúp quốc gia, đô thị phát triển bền vững hơn. Quá trình đô thị hóa được kiểm soát chặt chẽ và có tầm nhìn chiến lược sẽ phát huy lợi thế của đô thị hóa và hạn chế tối đa những bất cập. Quy hoạch đô thị chính là nền tảng để định hướng thúc đẩy quá trình đô thị hóa một cách bài bản, bảo đảm tổ chức không gian phát triển, dự trữ và bảo tồn hợp lý, tạo ra không gian sống chất lượng cao và hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường sinh thái. Quản lý phát triển đô thị song hành cùng quy hoạch đô thị để quản lý, đánh giá quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch cũng như quản lý các vấn đề đô thị khác, như quản lý nguồn lực phát triển đô thị, hoạt động đầu tư xây dựng, thúc đẩy sự tham gia của các đối tác và thiết lập văn minh đô thị hiệu quả. Quy hoạch và quản lý đô thị kém hiệu quả sẽ làm gia tăng những vấn đề của đô thị, như giao thông tắc nghẽn, sự quá tải của hệ thống kết cấu hạ tầng, thiếu nhà ở và những vấn đề bất bình đẳng xã hội khác...
Thực trạng công tác quản lý quy hoạch, quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam thời gian qua

Các mặt đạt được

Trong thời gian qua, công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cấp lãnh đạo của địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật, từng bước bảo đảm việc quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng văn minh, hiện đại, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cả nước.

Công tác quản lý đô thị được thực hiện bài bản hơn, quy hoạch đô thị từng bước bảo đảm sự thống nhất, liên thông với quy hoạch các ngành, giữa các cấp độ (từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đến quy hoạch chi tiết), trở thành công cụ hữu hiệu để thực hiện quản lý phát triển đô thị ngắn và dài hạn. Đến nay, hầu hết các đô thị là thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch phân khu tại 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và 19 đô thị loại I đạt khoảng 70% - 90%; tại các đô thị loại II, III, IV đạt khoảng 40% - 50%. Tỷ lệ quy hoạch chi tiết được lập đạt khoảng 38%. Công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cơ bản phù hợp với những chủ trương, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới của đất nước; bảo đảm phục vụ lợi ích của quốc gia, cộng đồng, quốc phòng và an ninh; thu hút đầu tư và tăng cường hiệu quả sử dụng đất đai tại đô thị; góp phần tạo lập không gian đô thị khang trang, hiện đại và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội trong thời kỳ mới. Phương pháp tiếp cận quy hoạch và công tác nghiên cứu thể chế, pháp luật hoàn thiện, công tác quản lý phát triển đô thị cũng liên tục được cập nhật, đổi mới để tiến đến phù hợp hơn với thực tế và nhu cầu phát triển đô thị.

Phát triển đô thị đã hình thành mạng lưới đô thị phân bố tương đối đồng đều tại 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Đến tháng 6-2021, hệ thống đô thị đã có 870 đô thị, gồm: 2 loại đặc biệt; 22 loại I; 32 loại II; 48 loại III; 90 loại IV và 676 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa (tính theo phường và thị trấn) của cả nước đạt khoảng 40,5%. Hệ thống đô thị bước đầu hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo lớn cấp quốc gia, cấp khu vực. Không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm theo hướng đồng bộ, đã và đang cung cấp chất lượng cuộc sống cao cho cư dân đô thị. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của đô thị trong phát triển kinh tế cũng như cải thiện cuộc sống cộng đồng.

Ở Trung ương, văn bản pháp luật và các chính sách để thực hiện quy hoạch và quản lý phát triển đô thị thường xuyên được rà soát, nghiên cứu, cập nhật để hoàn thiện và tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý phát triển đô thị. Từ năm 2018 đến nay, Bộ Xây dựng đã tập trung rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác; rà soát, sửa đổi và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến công tác quy hoạch đô thị nhằm phù hợp với thực tiễn quản lý và đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã tham mưu, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 1-3-2019, “Về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt”; Quyết định số 1398/QĐ-TTg, ngày 16-10-2019, của Thủ tướng Chính phủ, “Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đối với lĩnh vực xây dựng”; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 6-12-2019, “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị”.
Quy Nhơn xưa và nay

Triển khai Nghị quyết số 36a/NQ-CP, ngày 14-10-2015, của Chính phủ, “Về Chính phủ điện tử” và đôn đốc các địa phương trong thực hiện theo Chỉ thị số 05/CT-TTg, Quyết định số 1398/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đã có các văn bản hướng dẫn và đề nghị các địa phương thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch đô thị Việt Nam lên Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch xây dựng để công khai thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Đến nay, có khoảng 1.500 đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia. 

Ở địa phương nhìn chung, dưới sự quản lý chặt chẽ của các cấp, các ngành, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị đã có nhiều bước tiến mới. Nhiều đồ án quy hoạch chung có sự tham gia của tư vấn quốc tế nên chất lượng quy hoạch được nâng lên, đáp ứng tốt các nhu cầu phát triển đô thị. Trong giai đoạn 2011 - 2020, các đô thị đều chọn việc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, lấy việc quản lý và xây dựng, chỉnh trang đô thị là một trong những khâu đột phá để xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Công tác duy tu, cải tạo, tái thiết từng bước được tăng cường. Việc cấp giấy phép cho các hoạt động xây dựng, sửa chữa để nâng cấp vỉa hè, lòng đường, xây dựng công trình hạ tầng đô thị, chiếu sáng, tạo dựng cảnh quan, trồng thêm cây xanh đường phố, công viên, quảng trường đã được các chính quyền đô thị quan tâm.

Một số hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển đô thị còn một số hạn chế. Ở cấp Trung ương, công tác lý luận, phương pháp quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư phát triển rất nhanh của đô thị hóa; hệ thống pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, nhà ở,... còn chưa thống nhất, đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung; pháp luật và các công cụ quản lý phát triển đô thị còn thiếu; công tác kiểm tra, giám sát quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị chưa được thực hiện thường xuyên và phát huy hiệu quả.

Ở cấp địa phương, nhìn chung, chất lượng đồ án quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu tầm nhìn dài hạn, dự báo còn thiếu tính khoa học và khả thi; quy hoạch thiếu gắn kết các chương trình dự án đầu tư, xây dựng công trình và kết cấu hạ tầng kỹ thuật, thiếu nội dung thiết kế đô thị; quy hoạch, cung cấp thông tin quy hoạch chưa công khai, kịp thời, thường xuyên và rộng rãi; cấp giấy phép xây dựng đạt hiệu quả chưa cao, còn tình trạng không phù hợp về chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất, tầng cao; chế tài xử lý đối với những trường hợp vi phạm còn hạn chế, thiếu tính răn đe, chưa kịp thời và triệt để; chính quyền đô thị chưa chủ động ban hành các văn bản điều hành, chuyển hóa các nội dung quy hoạch thành các chương trình, kế hoạch đầu tư xây dựng, phát triển đô thị phù hợp từng thời kỳ; trình độ, năng lực cán bộ quản lý đô thị, tư vấn còn hạn chế; chưa có cơ chế thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong lập và thẩm định quy hoạch tại địa phương, nội dung góp ý còn chung chung, chưa thực sự đóng góp cho chất lượng đồ án quy hoạch.

Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quy hoạch đô thị còn hạn chế; thông tin, dữ liệu, số liệu còn thiếu, rời rạc, chưa được hệ thống hóa, số hóa để áp dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ công tác đánh giá thực trạng, nhu cầu, dự báo phát triển trong lập, thẩm định quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; việc lấy ý kiến cộng đồng về lập, điều chỉnh nội dung quy hoạch đô thị chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức; cộng đồng dân cư chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của mình trong quy hoạch đô thị, xây dựng môi trường sống và phát triển đô thị.

Còn tiếp./.

Tác giả bài viết: Dinhhoa

Nguồn tin: www.tapchicongsan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay8,937
  • Tháng hiện tại797,225
  • Tổng lượt truy cập59,840,916
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây